Đường dây nóng:
091 352 1606

Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh

( 23/08/2016 - Lượt xem: 3728 )

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các nội dung chính và hướng dẫn cụ thể cho việc lập một kế hoạch kinh doanh:

Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp

1. Phần mở đầu Giới thiệu về ý tưởng kinh doanh, mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ, gồm tên gọi, hình dáng, kích thước, mầu sắc, tác dụng. Lý do lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ này (bạn nên nêu lên các lý do do mình nghiên cứu kỹ càng mà có, không nên thông qua cảm tính, cảm giác), cụ thể ở đây là có cầu trên thị trường hay không, nếu trên thị trường đang có cung và lượng cung dư thừa thì bạn cần phải cho biết khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm đang cung ứng trên thị trường là gì, có đáp ứng được sự mong đợi của thị trường hay không.

2. Mô hình kinh doanh

Để thực hiện được việc bán sản phẩm hay dịch vụ này, bạn cần tổ chức kinh doanh như thế nào. Thành lập công ty, doanh nghiệp tư nhân, hay là hộ kinh doanh cá thể. Thời gian thành lập công ty là bao lâu. Nhân sự của công ty yêu cầu thế nào, công nhân viên, người quản lý.. bao nhiêu người và ở trình độ nào.

3. Thị trường và tiếp thị

Phần này bạn cần nêu lên được sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn được bán cho ai, độ tuổi nào, số lượng bao nhiêu và ở khu vực địa lý nào.
Việc phân tích thị trường khiến bạn thật sự hiểu về thị trường, giúp bạn có một cái nhìn rất nhanh và rất chính xác khi có biến động (về giá cả, về dung lượng, cả lượng cung và lượng cầu). Nếu bạn hiểu rõ một ai đó, bạn sẽ dễ dàng đáp ứng được mong muốn của người ấy.
Hãy bắt đầu phân tích thị trường bằng việc xác định quy mô, cấu trúc, tương lai phát triển, xu hướng và tiềm năng. Ví dụ, nếu bạn định mở cửa hàng bán xe đạp điện, trước hết đối tượng khách hàng bạn xác định là học sinh ở độ tuổi từ 14-18. Trong khu vực thị trường của bạn có bao nhiêu gia đình có con em trong độ tuổi này, số lượng các em ở nơi khác đến khu vực này (ví dụ khu vực của bạn có trường phổ thông), số lượng các đối tượng vãng lai được tính bằng 10% tổng số lượng trong khu vực thị trường. Sau khi tính toán được tỷ lệ số người có nhu cầu, bạn sẽ phải xác định cung thị trường, có bao nhiêu cửa hàng cùng loại sản phẩm với bạn trong khu vực này. Năng lực cung ứng của họ ra sao. Điểm mạnh, điểm yếu của từng cửa hàng, ví dụ về giá thấp, năng lực tiếp thị tốt, trang web nổi tiếng, vv…
Căn cứ vào đối tượng mục tiêu của thị trường mà bạn cung cấp hàng hóa/dịch vụ, bạn cần lập một phương án cho các hình thức tiếp thị hàng hóa/dịch vụ, bao gồm các nội dung như đối tượng, phương tiện, nội dung tiếp thị, tần suất xuất hiện…

4. Phương án sản xuất/ định hình sản phẩm, dịch vụ

Ở phần này bạn cần nêu lên được qui trình tạo ra sản phẩm (hay còn gọi là qui trình sản xuất) hoặc qui trình tạo ra dịch vụ. Ví dụ bạn dự định cung cấp dịch vụ ăn uống thì Cơ sở của bạn sẽ cung ứng những món nào, qui trình chế biến, công thức, nguyên liệu, đồ uống kèm theo là gì. Qui trình hướng dẫn thực khách từ khâu lễ tân tiếp đón đến đặt món, gửi yêu cầu vào bộ phận bếp, trả món và phục vụ. Tất cả đều phải theo một qui trình khép kín và dễ nhận biết, thậm chí chỉ cần liếc mắt đã có thể biết được order đang ở khâu nào, có bị miss không. Đừng để xảy ra tình trạng phải dò tìm hay kiểm soát kỹ mới có thể biết được order đã được phục vụ hay chưa, bởi vì nếu như thế thì bạn sẽ ngại kiểm soát khi mất nhiều thời gian vào đó, và như thế là một người khách nào đó sẽ bị bỏ quên.

5. Máy móc dây chuyền sản xuất và nguồn nguyên liệu

Sau khi xác định được chất lượng và khối lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mình định cung ứng ra thị trường thì bạn sẽ xác định được cần bao nhiêu dây chuyển sản xuất, bao nhiêu máy móc thiết bị để sản xuất ra lượng hàng hóa đó.
Bạn cần liệt kê số lượng, chủng loại, đơn giá của mỗi máy móc thiết bị và xác định nhà cung cấp.
Trong phần này bạn cần mô tả được qui trình sản xuất hoặc chế biến sản phẩm của mình. Từ đó bạn sẽ có kế hoạch mua máy móc hay thiết bị cần thiết ở đâu, mức giá nào để cho ra chất lượng sản phẩm và số lượng sản phẩm như bạn yêu cầu để đáp ứng thị phần mà bạn đã xác định hướng tới. Ví dụ, thay vì bán hàng Trung Quốc giá rẻ, bạn bán xe đạp điện nhập khẩu từ Nhật Bản, qui trình lắp ráp, dịch vụ bảo hành… tất cả đều cần phải có máy móc tốt hơn so với khi bạn bán hàng Trung Quốc, giá cao hơn, phục vụ nhu cầu của bộ phận thị trường khó tính hơn và yêu cầu chất lượng cao hơn.
Trong phần này bạn cũng cần xác định nguyên liệu và nguồn nguyên liệu để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Bạn muốn mua xe đạp điện của nhà cung cấp nào, hoặc bạn sẽ lấy bánh phở cho tiệm phở sáng của mình từ đâu. Khối lượng, giá bán, ký kết hợp đồng là các nội dung bạn cần phải liên hệ trước.

6. Tổ chức nhân sự

Trong giai đoạn khởi nghiệp, ngoài đội ngũ nhân viên, công nhân, có thể bạn chỉ có một mình để điều hành công việc. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn là tốt, bạn không có người để cùng bàn bạc, tìm ra điểm tốt, điểm bất lợi, để phản biện cho ý kiến của mình. Bạn nên tạo lập nhóm điều hành với mỗi người một nhiệm vụ chuyên môn để tạo nên một team mạnh.
Bắt đầu tư kế hoạch sản xuất kinh doanh, từ vị trí làm việc dựa trên số lượng thiết bị, khu vực sản xuất hay tổ phục vụ, khu vực bán hàng hay lễ tân, bạn sẽ xác định số lượng công nhân viên cần thiết. Từ đó, lập dự trù ngân sách cho quĩ lương hàng tháng, hàng năm để phân bổ chi phí vào giá bán hàng hóa.
Sau khi đã tuyển được nhân sự phù hợp, bạn cần phân công nhiệm vụ cho các vị trí để toàn bộ nhóm biết vị trí của mình là gì trong doanh nghiệp và mối quan hệ tương quan giữa các vị trí trong nhóm phát triển. Để làm điều này, bạn cần vẽ mô hình tổ chức cho nhóm phát triển.

7. Tính toán tài chính

Từ tất cả các kế hoạch cho từng hạng mục nêu trên bạn lập ra một biểu tính toán doanh thu, chi phí để có kế hoạch tài chính cho kế hoạch khởi nghiệp. Dưới đây là một ví dụ cho một nhà hàng ăn uống.
Bảng tính dự trù ngân sách
TT Chỉ tiêu Số tiền (…..)
I Tổng vốn đầu t­ư  
1 Vốn cố định  
  Chi phí chuẩn bị xây dựng  
  Chi phí Xây lắp, cải tạo  
  Chi phí Thiết bị, bàn ghế….  
  Chi phí dự phòng  
  Lãi vay trong thời gian xây dựng  
2 Vốn Lưu động  
II Nguồn vốn  
   + Vốn tự có  
   + Vốn vay  
 
Tính toán doanh thu
STT Tên dịch vụ Doanh thu (tiền)
1 Dịch vụ ăn uống……………  
2 Dịch vụ …………………….  
3 Các dịch vụ khác  
  Tổng cộng doanh thu  
 
Tính toán chi phí hoạt động (vốn lưu động)
Khoản mục Chi phí (tiền)
+ Chi phí nguyên vật liệu nhà hàng  
+ Bảo hiểm tài sản  
+ CP tiện ích (điện, nước, nhiên liệu ...)  
+ Sửa chữa, bảo dưỡng  
+ Chi phí Lương  
+ Chi phí tiền thuê địa điểm  
+ BHXH, y tế  
+ Chi phí liên lạc điện thoại, fax  
+ Chi phí khác  
+ Khấu hao tài sản  
+ Lãi vay ngân hàng  
Tổng Chí phí  
 
Định Giá Bán
Việc bạn định giá bán thế nào ảnh hưởng trực tiếp tới thành công doanh nghiệp bạn. Mặc dù chiến lược định giá và các kỹ thuật tính toán khá phức tạp nhưng các quy luật về định giá khá dễ hiểu:
Giá bán phải đủ trang trải chi phí. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để hạ giá bán là hạ chi phí.
Giá bán phải phù hợp để bán được hàng. Không nên chỉ định giá dựa trên giá của đối thủ cạnh tranh, mà định giá để bán được hàng.
Các tiện ích, tuổi thọ, duy trì và việc sử dụng cuối cùng của sản phẩm phải liên tục được đánh giá, và giá bán mục tiêu được điều chỉnh phù hợp theo đó.
Giá bán phải được bảo vệ và được kiểm soát chặt chẽ trên thị trường.
Có nhiều cách định giá bán để bạn cân nhắc:
  • Định giá bán bằng cộng chi phí. Giá bán bằng tổng chi phí cố định phân bổ theo khấu hao, chi phí lưu động cộng số lời mong đợi.
  • Định giá bán theo nhu cầu. Phương pháp này được các công ty áp dụng khi các công ty bán sản phẩm theo nhiều nguồn khác nhau, và giá bán khác nhau dựa vào nhu cầu khách hàng.
  • Định giá bán theo mức cạnh tranh. Phương pháp này thường được áp dụng khi công ty thâm nhập thị trường đã có mức giá tương đối được định sẵn và các sản phẩm không khác nhau là mấy.

8. Kế hoạch bán hàng

Phân phối là toàn bộ quy trình chuyển sản phẩm từ cơ sở sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng. Mô hình phân phối với các kênh phân phối khác nhau phụ thuộc vào ngành hàng và quy mô thị trường. Một cách tốt để quyết định là phân tích đối thủ cạnh tranh và xem các kênh phân phối đang được sử dụng, sau đó quyết định xem có nên sử dụng kênh phân phối tương tự hay mô hình phân phối khác có thể tạo cho bạn lợi thế cạnh tranh.
Một số kênh phân phối thông dụng như:
Bán hàng trực tiếp. Kênh phân phối hiệu quả nhất là bán hàng trực tiếp cho người sử dụng cuối cùng.
Bán hàng qua nhà phân phối bán sỉ.
Bán hàng qua nhà môi giới.
Bán hàng qua nhà phân phối bán lẻ.
Bán hàng qua gửi thư trực tiếp, qua mạng internet.
Việc bạn chọn chiến lược phân phối sẽ dựa vào nhiều yếu tố bao gồm các yếu tố về kênh phân phối hiện tại của các đối thủ cạnh tranh, chiến lược định giá bán, và nguồn tài nguyên nội bộ của doanh nghiệp bạn.
Trong kế hoạch bán hàng, ngoài việc lựa chọn kênh phân phối, bạn cần đưa ra các phương pháp tiếp cận thị trường phù hợp với hoàn cảnh, tính chất ngành nghề, ngân sách cho dự án. Bạn cũng cần lên danh mục khách hàng để cập nhật hàng ngày và có phương án chăm sóc khách hàng. Các phần mềm quản lý bán hàng, nhân sự cũng cần được áp dụng.
Nhìn chung, trong phần này, bạn có hai nhiệm vụ. Một là xác định kênh phân phối để có kế hoạch bán hàng cụ thể và xác định được đường đi của sản phẩm từ cơ sở của mình đến người tiêu dùng cuối cùng. Từ đó, xác định được vấn đề thứ hai là chi phí phân phối sản phẩm.

9. Đánh giá mức độ rủi ro

Cuối cùng, bạn cần đánh giá rủi ro liên quan tới việc phát triển sản phẩm. Bạn cũng cần có phương án B để khắc phục tối đa các rủi ro. Các rủi ro trong giai đoạn phát triển thường tập chung vào vấn đề kỹ thuật sản phẩm, tiếp thị, yêu cầu về nhân sự, và các vấn đề tài chính.

Công ty TNHH Tư vấn Phát triển Doanh nghiệp  (EDConsult Co.,Ltd)
Địa chỉ: Phòng 1002, số 36 phố Hoàng Cầu, Tòa nhà Anh Minh, quận Đống Đa, Hà Nội   
Tel: (84-4) 37710804                          
Fax: (84-4) 37710805

Email: info@edcon.vn                        
Website : www.edcon.vn

Các tin bài khác

Đối tác 01
Đối tác 01
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON
Khách hàng của EDCON