Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện tờ trình phê chuẩn TPP theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Điều ước quốc tế năm 2016, trình Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội phê chuẩn TPP vào kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục rà soát pháp luật bảo đảm thực thi Hiệp định TPP, đề xuất phương án điều chỉnh pháp luật cụ thể phù hợp với lộ trình và yêu cầu của TPP, trong đó tính đến việc đề xuất ban hành một văn bản để sửa đổi nhiều văn bản, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2016.
TPP gồm 12 nước tham gia là: New Zealand, Australia, Canada, Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Singapore, Peru và Chile.
Vào ngày 4/2 vừa qua, sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Chính phủ ký xác thực lời văn hiệp định TPP và 35 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước tham gia TPP.
Các thỏa thuận song phương này có hiệu lực cùng thời điểm với TPP, dự kiến vào năm 2018.
Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...
Song Hà
Theo Vneconomy